Phật giáo tiếp tục đấu tranh đòi thực hiện thông cáo chung Biến_cố_Phật_giáo_năm_1963

Ủy ban Liên phái Phật giáo kêu gọi đẩy mạnh đấu tranh

Ngày 19/7/1963, hòa thượng Thích Tâm Châu gửi thư ghi nhận thông điệp của Tổng thống Ngô Đình Diệm và yêu cầu Tổng thống phóng thích tất cả những người bị chính quyền giam giữ, bồi thường cho các nạn nhân tại đài phát thanh Huế đồng thời chấm dứt phong tỏa chùa Ấn Quang và Giác Minh. Sau khi những điều này được thực hiện, Phật giáo mới chấp nhận hòa giải và hợp tác với chính quyền.[45]

Ủy ban Liên phái nhiều lần từ chối lời đề nghị của Ủy ban Liên bộ thành lập Ủy ban hỗn hợp giải quyết những nguyện vọng của Phật giáo và tiếp tục công bố những tài liệu tố cáo chính quyền vi phạm Thông cáo chung.[46]

Sáng ngày 23/7/1963, diễn ra một cuộc biểu tình của hơn 100 thương binh trước chùa Xá Lợi. Chiều hôm đó Nha Tổng Giám đốc Thông tin tổ chức họp báo cho biết những người tổ chức cuộc biểu tình đã bị cách chức và tạm giam 40 ngày.[47]

Ngày 30/7/1963, chùa Xá Lợi tổ chức lễ chung thất (49 ngày) cho hòa thượng Thích Quảng Đức. Sau buổi lễ, Ủy ban Liên phái ra Tuyên ngôn kêu gọi dân chúng đẩy mạnh cuộc đấu tranh bất bạo động.[48]

Ngày 1/8/1963, hòa thượng Tịnh Khiết gửi một điện văn cho tổng thống John F. Kennedy, phản đối việc đại sứ Hoa Kỳ Frederic Nolting tuyên bố với hãng thông tấn U.P.I rằng không có chuyện kỳ thị tôn giáo và ngược đãi Phật giáo tại Việt Nam.[49]

Tăng ni, Phật tử tự thiêu và tự chặt tay

Ngày 4/8/1963, nhà sư Nguyên Hương 23 tuổi châm lửa tự thiêu không cho ai biết ở đài chiến sĩ tại Bình Thuận.[49]

Ngày 6/8/1963, Ủy ban Liên phái được mật báo về kế hoạch của chính quyền phân hóa và cô lập Phật giáo, bao vây kinh tế, tạo chứng cứ giả để truy tố lãnh đạo Phật giáo nhằm tiêu diệt phong trào Phật giáo, gọi là "kế hoạch nước lũ". Ngày 7/8/1963, hòa thượng Tịnh Khiết gửi thư báo tin cho Tổng thống về kế hoạch này đồng thời lưu ý Tổng thống về những âm mưu thâm độc của những người dưới quyền.[50]

Ngày 12/8/1963, nữ sinh Mai Tuyết An đến chùa Xá Lợi chặt bàn tay trái để phản đối chính quyền.[51]

Ngày 13/8/1963, nhà sư Thanh Tuệ 18 tuổi ở chùa Phước Duyên ở quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên tự thiêu. Quần chúng tụ tập lại chùa. Cảnh sát đến giải tán làm một số người bị thương. Cảnh sát không cho đưa thi thể Thanh Tuệ về chùa Từ Đàm mà mang đi.[51]

Ngày 13/8/1963, Ủy ban Liên Bộ họp báo quy trách nhiệm cho Ủy ban Liên Phái không cộng tác để thành lập Ủy ban Hỗn hợp để thi hành Thông cáo chung.[52]

Ngày 14/8/1963, Ủy ban Liên phái mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi để giải thích những lý do khiến Ủy ban Liên Phái không tham dự thành lập Ủy ban Hỗn hợp. Phía Phật giáo tố cáo chính quyền coi Thông Cáo Chung chỉ là biện pháp dẹp bỏ ngày tang lễ của hòa thượng Quảng Đức chứ không hề có ý định thi hành nó. Phật giáo kêu gọi ngừng phong tỏa các chùa, phóng thích tất cả những người bị bắt giữ và chấm dứt mọi hành động đàn áp, khủng bố, phỉ báng xuyên tạc, kêu gọi tăng ni, Phật tử ngừng tự thiêu.[52]

Ngày 15/8/1963, khoảng 1.000 sinh viên - học sinh biểu tình tại Huế để phản đối vụ đàn áp trước chùa Phước Duyên và buộc chính quyền trả lại di thể hòa thượng Thanh Tuệ.[52]

Cũng trong ngày 15/8/1963, Ni sư Diệu Quang 27 tuổi tự thiêu tại quận Ninh Hòa, Khánh Hòa. Thi hài ni sư Diệu Quang bị cảnh sát mang đi. Dân chúng biểu tình tại thị xã Nha Trang để phản đối cảnh sát. Hơn 200 người bị bắt và gần 30 người bị thương. Chùa Hội Quán và Phật học viện Hải Đức bị phong tỏa và cắt điện nước trong ba ngày đêm làm 300 tăng sĩ và Phật tử bị cô lập.[53]

Ngày 16/8/1963, tại Huế, nhà sư Tiêu Diêu 71 tuổi tự thiêu tại chùa Từ Đàm. Khoảng 5000 người đến chùa Từ Đàm để bảo vệ thi hài hòa thượng Tiêu Diêu.[54]

Cùng ngày 16/8/1963, Ủy ban Liên Phái gửi thông bạch tố cáo sự tàn nhẫn của chế độ trước dư luận trong và ngoài nước. hòa thượng Tịnh Khiết gửi thư cho Tổng thống Diệm tố cáo sự ngược đãi chưa từng có của chính quyền đối với Phật giáo. Trong thư có viết: "Chúng tôi đã đến nước không còn nghĩ đến sự kêu cầu nhân đạo và công lý; chúng tôi chỉ mong bao nhiêu tội ác của một chế độ xem dân như cỏ rác được thực hiện ngay để chúng tôi có dip chết an hơn là sống khổ và cũng để cho chân tướng nền Cộng Hòa Nhân Vị do nhà Chí Sĩ xây dựng được phơi bày trước mắt đồng bào và thế giới."[55]

Ngày 18/8/1963, trên 30.000 người đến chùa Xá Lợi cầu siêu cho những người tự thiêu. Sau lễ cầu siêu, khoảng 10.000 tiếp tục tham gia tuyệt thực.[56]